Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Chuyện doping ở Tour de France qua lời kể của một cô gái Việt

- Nhờ đâu chị có cơ hội song hành cùng Tour de France hai năm liên tiếp 2017 và 2018?

- Tôi là người đam mê đua xe đạp và đang là chuyên gia của tổ chức xe đạp thế giới UCI. Tôi đã có 5 năm rong ruổi khắp thế giới cùng các tour xe đạp chuyên nghiệp nhưng việc được tác nghiệp tại Tour de France thì quá bất ngờ. Nó nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Năm 2017, lần đầu tiên tôi được mời tham gia giải đấu này với nhiệm vụ hỗ trợ cho các đồng nghiệp trong công tác kiểm tra doping. Sau giải đấu năm ngoái, tôi được ban tổ chức đánh giá số điểm A, tức là hoàn thành nhiệm vụ và đề nghị UCI tiếp tục điều động tôi để hỗ trợ giải đấu. Bởi vậy, năm nay tôi lại được mời làm nhiệm vụ.

Phạm Vân Anh (áo vàng) luôn rong ruổi ở các giải đua trong nước lẫn thế giới trong vai trò của một chuyên gia xe đạp thế giới - UCI. Ảnh: Phạm Huy.

Phạm Vân Anh (áo vàng) luôn rong ruổi ở các giải đua trong nước lẫn thế giới trong vai trò của một chuyên gia xe đạp thế giới - UCI. Ảnh: Phạm Huy.

Công việc chính của chị tại Tour de France năm nay là gì?

- Từ chặng đua thứ nhất đến chặng chín tôi nằm ở bộ phận kiểm tra doping. Từ chặng 10 đến chặng 17 thuộc bộ phận kiểm tra thông số kĩ thuật tất cả các xe của cua-rơ. Sau đó, từ chặng 18 đến hết giải, tôi quay trở lại với nhiệm vụ kiểm tra doping.

- Cảm xúc của chị thế nào khi nhận được lời mời từ ban tổ chức giải đua xe danh giá nhưng cũng khắc nghiệt nhất hành tinh này?

- Sau khi nhận lời lần đầu, tôi rất hồi hộp vì không biết công việc sẽ như thế nào, di chuyển ăn uống ra sao... Tôi từng nghe các đồng nghiệp nói nhiều về sự căng thẳng của giải đấu này. Tôi cũng lo sợ không hoàn thành nhiệm vụ, các tai nạn trên đường đua rồi sức khoẻ không biết có thích ứng với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết ở đây hay không. Bởi, có những chặng đua 30 kilomét đầu tiên nhiệt độ khoảng 29 độ, sau 80 kilomét xuống -3 độ và tại đích đến là 8 độ. 

Vượt qua những trở ngại ban đầu, khi bắt tay vào giải, tôi đã nhanh chóng thích nghi với mọi thứ. Tôi vui vì mình được tin tưởng và tín nhiệm. Hàng năm những giải lớn như thế này chỉ 15 đến 20 người được lựa chọn. Đặc biệt, tại giải vừa kết thúc, tôi là một trong 15 chuyên viên xuyên suốt giải.

Người dân Việt Nam mang quốc kỳ xuống đường cổ vũ Tour de France 2018, hình ảnh do Vân Anh ghi lại.

Người dân Việt Nam mang quốc kỳ xuống đường cổ vũ Tour de France 2018, hình ảnh do Vân Anh ghi lại.

- Doping là vấn nạn nhức nhối nhất của Tour de France. Chị có thể nõi rõ hơn quy trình kiểm tra doping tại giải đấu này?

- Chính vì có nhiều tay đua hay sử dụng doping ở giải đấu này nên Ban tổ chức đã siết chặt quy trình giám sát và kiểm tra. Sau khi các tay đua về đích, nếu nghi ngờ một VĐV nào đó, chúng tôi sẽ gửi một số câu hỏi cho họ trả lời. Bước thứ hai là tiến hành đo huyết áp. Tiếp theo là lấy mẫu máu rồi kiểm tra. Tuy nhiên có nhiều trường hợp không đủ mẫu máu để kiểm tra lượng chất cấm. Một số tay đua có cấu tạo về hồng cầu đặc biệt, nên tỷ lệ kiểm tra liều lượng chất cấm có vượt quá quy định hay không là chỉ đạt khoảng 60-70% mức độ chuẩn xác. Với những trường hợp đó, chúng tôi phải tiến hành bước thứ năm là lấy một số mẫu khác trên cơ thể, ngoài máu. Chi tiết những vị trí nào thì tôi không thể tiết lộ.

Tất cả các mẫu thử chất cấm thường chỉ được phát hiện sau hai tuần, từ ngày lấy mẫu. Trung bình sẽ có tám cuộc kiểm tra mỗi chặng - bao gồm người đứng đầu cuộc đua và người chiến thắng của từng chặng, cộng với sáu người khác. Các mẫu của tay đua thắng chặng hoặc đoạt danh hiệu chung cuộc sẽ được lưu trữ trong 10 năm, để có thể thử lại khi các phương pháp phát hiện được cải thiện. Cơ quan chống doping và cảnh sát Pháp đã đồng ý kể từ năm 2018 sẽ tập trung nghiên cứu cũng như hỗ trợ UCI để giúp kiểm tra các VĐV nằm trong danh sách “nóng”. Trong những trường hợp đặc biệt, đội ngũ nhân viên của tôi sẽ phải thu thập mẫu tức thì, thậm chí có thể "ghé thăm" những tay đua này vào giữa đêm.

- Chị gặp những thuận lợi và khó khăn nào trong việc kiểm tra doping?

- Ở các giải đua xe đạp chuyên nghiệp, việc kiểm tra chất cấm với các cua-rơ là bình thường. Do đó, khi nêu tên một tay đua nào đó, họ đều hợp tác vui vẻ chứ không khó chịu, phản ứng. Một thuận lợi nữa là hầu như 90% công việc này đều do máy móc thực hiện. Bản thân tôi chỉ điều chỉnh máy móc, đo huyết áp và lấy máu cũng như một số mẫu khác để kiểm tra. Máy móc cho ra kết quả chính xác nhất.

Tuy nhiên, tôi cũng gặp không ít khó khăn như việc lấy ven tại đích đến các chặng, và điều chỉnh máy móc. Thông thường máy móc chỉ chính xác 100% khi ở áp suất thường và nhiệt độ thường, nhưng có nhiều địa điểm, khu vực đích đến nhiệt độ rất lạnh. Một số VĐV sau khi đua xong đã uống nước protein hay các loại nước khác, dẫn đến những khó khăn trong việc lấy các mẫu thử. 

Một khó khăn khác là việc thường gõ cửa các VĐV vào ban đêm để lấy máu, nên nhiều người khó chịu, chửi bới. Có người thậm chí còn đòi cho chúng tôi "ăn đòn" vì phá giấc ngủ của họ.

Tour de France là giải đấu gian khổ bậc nhất thế giới. Các cua-rơ luôn nhận được sự cổ vũ đông đảo của giới hâm mộ. Ảnh: Vân Anh.

Tour de France là giải đấu gian khổ bậc nhất thế giới. Các cua-rơ luôn nhận được sự cổ vũ đông đảo của giới hâm mộ. Ảnh: Vân Anh.

- Ở các tour đua xe lớn tại thế giới gần đây còn có khái niệm “doping công nghệ”. Đó là gì thưa chị?

- Ngoài doping do chất cấm, nhiều tay đua còn sử dụng xe đua của mình khác với quy định của môn thể thao này. Họ có thể gắn thêm máy móc nào đó trong xe một cách tinh vi mà mắt thường không thể thấy. Do đó, để kiểm tra dạng “doping” này, ban tổ chức có một xe chuyên dụng. Trên đó trang bị đầy đủ các thiết bị đo thông số kĩ thuật của xe đua, kèm theo đó là máy chụp citi toàn bộ các chi tiết bên trong lẫn bên ngoài xe. Sẽ có một máy chủ được kết nối với máy trên xe để cho ra các kết quả chính xác nhất. Nếu đúng các thông số sẽ được chấp nhận. Ngược lại, nếu chỉ số xe đạp sai lệch vượt quá quy định, nó sẽ tạm thời không được sử dụng.

Tôi xin nói thêm, "doping công nghệ" trong thuật ngữ xe đạp được gọi là Mechanical Doping - cho đến tháng 1/2017 đã được UCI chính thức gọi với cái tên mới “Technological Fraud". VĐV có thể bị đình chỉ ít nhất sáu tháng nếu họ và đội đua của họ bị phát hiện sử dụng động cơ ẩn trong xe đạp để tăng hiệu suất. Thời gian đầu, khoảng năm 2001, loại động cơ này thô sơ và nằm bên trong yên xe. Đến khoảng năm 2009, họ bắt đầu thực hiện việc đặt viên nam châm nhỏ ẩn bên trong bánh xe và việc này rất khó phát hiện. Năm 2016 doping công nghệ tiếp tục trở lại với một thiết bị động cơ nằm trong khung dưới cùng kết nối với bàn đạp. Các cua-rơ chỉ cần đưa chân theo bàn đạp đúng nhịp thì mọi thứ sẽ tự vận hành, lúc này việc leo núi đứng dốc dài đến đâu cũng không còn là vấn đề.

Một chiếc xe đạp của vận động viên được đưa vào kiểm tra doping công nghệ. Ảnh: Vân Anh.

Một chiếc xe đạp của vận động viên được đưa vào kiểm tra "doping công nghệ". Ảnh: Vân Anh.

Kết thúc Tour de France năm nay đã có cua-rơ nào dính doping?

- Ngoại trừ một trường hợp đang được kiểm tra, còn lại chưa có tay đua nào ở giải năm nay bị phát hiện sử dụng doping.

- Chị tham dự nhiều giải xe đạp quốc tế lẫn một số giải ở Việt Nam, có sự khác biệt nào giữa những giải đấu này?

- Những năm gần đây, tôi tiếp xúc nhiều với các cua-rơ Việt Nam và tham dự một số giải đua ở Việt Nam. Cơ hội tác nghiệp tại Tour de France đem lại cho tôi nhiều điều bổ ích, có thể mang về truyền tải cho xe đạp Việt Nam, cho mọi người hâm mộ xe đạp ở Việt Nam để họ hiểu thêm về một Tour đẳng cấp thế giới.

Nhìn chung, hầu hết các bước trong đua xe đạp đều giống nhau. Chỉ khác biệt về khâu tổ chức. Ở Việt Nam chưa có nhiều Tour xứng tầm châu Á hay thế giới nên còn hoạt động khá truyền thống như sử dụng các công cụ để xác định thời gian hoàn thành chặng đua, công cụ đo độ dài các chặng, đánh vị trí các điểm sprint... đang còn thô sơ, dù những năm gần đây đã có nhiều sự đổi mới. Về công tác trọng tài, nhà tài trợ, tình nguyện viên, người hâm mộ thậm chí là luật thi đấu ở Việt Nam cũng có nhiều sự khác biệt so với các Tour quốc tế.

Hy vọng chúng ta sẽ tích cực học hỏi, đổi mới để tiếp cận với môi trường xe đạp thế giới, bởi Việt Nam không thiếu những VĐV tài năng có thể cạnh tranh, thi đấu ở môi trường xe đạp chuyên nghiệp, đẳng cấp.

Kết thúc Tour de France 2018

Vô địch (Áo Vàng): Geraint Thomas (Xứ Wales/Team Sky) 83 giờ 17 phút 13 giây
Á quân: Tom Dumoulin (Hà Lan/Sunweb) +1 phút 51 giây
Thứ ba: Chris Froome (Anh/Team Sky) +2 phút 24 giây

Vua nước rút (Áo Xanh): Peter Sagan (Slovakia/Bora-Hansgrohe) 477 điểm

Vua leo núi (Áo Chấm Đỏ): Julian Alaphilippe (Pháp/Quick-Step Floors) 170 điểm

Tay đua trẻ xuất sắc (Áo Trắng): Pierre Latour (Pháp/AG2R La Mondiale) 83 giờ 39 phút 26 giây

Đội đua vô địch: Movistar (Tây Ban Nha) 250 giờ 24 phút 53 giây

Đức Đồng

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét