Em bé được tiêm vắcxin ở An Huy, Trung Quốc ngày 26/7. Ảnh: AFP. |
Dư luận Trung Quốc tháng này rúng động sau khi Công ty công nghệ sinh học Trường Sinh bị phanh phui bán vắcxin dại và DPT (bạch cầu, ho gà, uốn ván) không đạt chuẩn. Những sản phẩm này đa phần được dùng cho trẻ từ ba tháng tuổi ở Trùng Khánh, Hà Bắc và Sơn Đông.
Các nhà điều tra trung ương Trung Quốc từ tuần trước tập trung tìm hiểu các sai phạm của doanh nghiệp và đã công bố báo cáo về các vấn đề của vắcxin dại. "Công ty cố tình không tuân thủ quy trình sản xuất nhằm cắt giảm chi phí và tăng tỷ lệ chế vắcxin dại thành công", theo báo cáo được Xinhua đăng.
Theo tiêu chuẩn công nghiệp, một lô vắcxin nên được sản xuất theo một quá trình liên tục nhưng công ty Trường Sinh đã không làm vậy. Họ sử dụng các thành phần được sản xuất trong nhiều giai đoạn khác nhau, thậm chí có những thành phần đã hết hạn, để trộn lẫn và tạo ra vắcxin thành phẩm.
Việc thử nghiệm trên chuột cần được thực hiện sau khi quá trình sản xuất kết thúc, nhưng công ty lại tiến hành trong quá trình sản xuất các thành phần hoạt tính. Để che đậy những vi phạm này, công ty đã làm giả hồ sơ sản xuất, thử nghiệm và biên nhận chứa thông tin sai lệch về thời điểm những con chuột thí nghiệm được mua.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết chỉ 0,002% những trẻ em được tiêm phòng dại bằng vắcxin do công ty sản xuất gặp tác dụng phụ. Không ai trong số họ có triệu chứng nghiêm trọng, theo cơ quan kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của Trung Quốc.
Công ty cho biết năm ngoái họ sản xuất khoảng 3,5 triệu liều vắc-xin dại. Năm 2017 có 516 trường hợp nhiễm bệnh dại, giảm so với năm trước. Cảnh sát thành phố Trường Xuân đề nghị viện kiểm sát phê chuẩn bắt giữ 18 cán bộ công ty Trường Sinh, bao gồm chủ tịch doanh nghiệp.
Giới chức y tế nói rằng các vắcxin trong bê bối không có tác dụng nhưng cũng không gây hại. Chuyên gia vắcxin tại Thượng Hải Tao Lina cho rằng "thật điên rồ" khi công ty phớt lờ quy định để tiết kiệm tiền nhưng chỗ vắcxin đó vẫn có thể có tác dụng nhỏ.
"Dùng vắcxin như vậy giống như ăn đồ được nấu bằng dầu cống rãnh (dầu tái chế từ chất béo, mỡ thú vật cạo vớt trong lò mổ hay vớt từ cống rãnh, đường mương). Nó có thể không gây hại rõ ràng cho sức khỏe, nhưng nó thật ghê tởm và gây cảm nhận xấu", ông nói thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét