Rạng sáng 1/5, sau khi uống 6 chai bia và vài chén rượu, tài xế Lê Trung Hiếu (SN 1980, trú tại phố Văn Cao, quận Ba Đình, TP Hà Nội) lái ô tô Mercedes về nhà, đến hầm chui Kim Liên thì tông chết 2 phụ nữ đang đi xe máy.
Thời điểm kiểm tra, nồng độ cồn đo được của Lê Trung Hiếu là 0,751 mg/l khí thở, vượt quá cả ngưỡng xử phạt cao nhất (0,4 mg/l khí thở).
Vụ việc khiến dư luận cả nước bức xúc trước thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác của những kẻ say xỉn ngồi sau vô lăng. Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng mức xử phạt hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe khiến những vụ tài xế say xỉn lái xe gây tai nạn thương tâm ngày càng gia tăng.
0h10 ngày 1/5, sau khi uống say, Lê Trung Hiếu lái Mercedes tông chết 2 người phụ nữ đi xe máy ở hầm chui Kim Liên (Hà Nội).
Xem xét xử lý tội danh "Giết người"
Về việc tài xế say rượu lái xe, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, đối với hành vi sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác lái xe gây hậu quả nghiêm trọng cần phải tăng chế tài đủ sức răn đe, phòng ngừa ngay từ ban đầu chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý.
Theo luật sư Thơm, hiện nay, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu do người lái xe sử dụng rượu bia, ma túy hay chất kích thích khác gây ra. Đa phần vẫn là do ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của còn kém, coi thường tính mạng bản thân và người khác.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "Cố ý gây thương tích" hoặc gây ra chết người thì xử theo tội danh "Giết người".
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật hiện nay thì hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích khác có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" - theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.Đây là thuộc nhóm tội phạm xảy ra với lỗi vô ý nên chế tài xử lý hình sự chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Đặc biệt, loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng gây lo lắng và bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông.
"Tôi cho rằng cần phải tăng chế tài đủ sức răn đe, phòng ngừa ngay từ ban đầu chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý" - luật sư Thơm nhấn mạnh.
Luật sư Thơm phân tích, trước tiên phải sửa đổi luật hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ thuộc nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra".
"Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể mình các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý.
Như vậy, nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về hậu quả đến đó. Ví dụ, hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "Cố ý gây thương tích" hoặc gây ra chết người thì xử theo tội danh "Giết người", luật sư nêu quan điểm.
Theo luật sư Thơm, trong gần 3 năm thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, ông thấy Nghị định này không còn phù hợp với thực tiễn, nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi.Cụ thể, Nghị định 46/2016 quy định hình thức xử phạt bổ sung tước bằng lái từ 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng và mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân là chưa đủ sức răn đe.
"Tôi cho rằng cần tăng mức phạt tối đa với cá nhân khi vi phạm luật giao thông đường bộ lên gấp 2 lần và tăng mức phạt với người sử dụng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường " – luật sư Thơm nói.
Video: Khởi tố tài xế say xỉn tông chết nữ công nhân môi trường ở Hà Nội
Ngoài ra, luật sư cho rằng cần sửa đổi bổ sung luật xử phạt vi phạm hành chính quy định trường hợp tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc buộc học lại luật giao thông, kể cả buộc phải thi cấp bằng lái xe mới khi tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chất kích thích.
Nếu tái phạm nhiều lần mà không có khả năng giáo dục, nhận thức chấp hành luật giao thông thì cơ quan chức năng tước bằng lái xe vĩnh viễn.
Cần bỏ tù những kẻ say xỉn ngay cả khi chưa gây tai nạn
Đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Ạnh Thơm, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dù những kẻ say xỉn lái xe chưa gây ra tai nạn nhưng lực lượng chức năng cần phải xử lý mạnh tay hơn và nếu tái phạm nhiều lần thì cần thiết phải bỏ tù những kẻ đó.Việc sử dụng rượu bia khi lái xe sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông khác.
Luật sư Quách Thành Lực: Tôi cho rằng, việc sử dụng rượu bia rồi lái xe tái phạm nhiều lần có thể xử lý hành chính theo cấp độ nhân lên và vượt quá 3 lần vi phạm thì cần phải bỏ tù.
Với quy định hiện tại đối với trường hợp lái xe say xỉn điều khiển phương tiện, khi xử phạt người có thẩm quyền cần nghiêm khắc áp dụng mức phạt tước giấy phép lái xe ở mức cao nhất sẽ mang lại hiệu quả phòng ngừa hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng cần tăng mức xử phạt đối với những trường hợp tái phạm: "Tôi cho rằng, việc sử dụng rượu bia rồi lái xe tái phạm nhiều lần có thể xử lý hành chính theo cấp độ nhân lên và vượt quá 3 lần vi phạm thì cần phải bỏ tù. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần nhiều thời gian để thực hiện được.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ các ngành trong việc phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn giao thông. Đồng thời tăng cường phạt nguội, tránh tình trạng ‘xin và cho’ giữa người xử lý vi phạm và người vi phạm để tránh tiêu cực đến ngành công an nói chung cũng như CSGT nói riêng".
Theo luật sư Quách Thành Lực, nếu cơ quan hành pháp thực thi nghiêm túc, triệt để các trường hợp vi phạm thì chắc chắn những quy định hiện tại cũng đủ sức hạn chế tình trạng lái xe say xỉn điều khiển phương tiện.
Theo VTC News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét