Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Diệp Vấn trở thành đại tông sư, cũng là nhờ cú đòn nhớ đời của một vị cao thủ

Màn tỉ thí ngắn ngủi tại Hong Kong đã làm thay đổi hoàn toàn con đường võ thuật của đại tông sư Vịnh Xuân Diệp Vấn.

Diệp Vấn trở thành đại tông sư, cũng là nhờ cú đòn nhớ đời của một vị cao thủ-1

Cao nhân đánh bại Diệp Vấn

Câu chuyện này diễn vào thời điểm Diệp Vấn còn rất trẻ. Đam mê võ thuật từ nhỏ, lại được gia đình khuyến khích học tập, Diệp Vấn tiếp thu rất nhanh Vịnh Xuân quyền từ sư phụ Trần Hoa Thuận và sau đó là sư huynh Ngô Trọng Tố.

Năm 18 tuổi, Diệp Vấn sang học tại Hong Kong (Trung Quốc) ở trường Thánh Stephen, vốn dành cho các sinh viên có gia đình khá giả. Nhờ khả năng võ thuật, ông được người mến mộ, dần dần sinh ra sự kiêu ngạo.

Diệp Vấn trở thành đại tông sư, cũng là nhờ cú đòn nhớ đời của một vị cao thủ-2

Hình tượng Lương Bích và Diệp Vấn trong phim.

Nhưng trong một lần qua chiêu, cú sốc khá lớn đến với Diệp Vấn. Trước mặt là một người đàn ông đã ngoài 60, thoạt nhìn trông có vẻ không giống một nhân vật tinh thông võ nghệ cho lắm.

Vậy mà 2 lần xông lên, Diệp Vấn đều bị đẩy lùi nhanh chóng. Lần đầu tiên, ông còn nghĩ rằng đối thủ ăn may. Song đến lần thứ hai, quyền cước của Diệp Vấn như bị người đàn ông kia đọc thấu hết. Thất bại đến như một điều tất nhiên.

Đó là đả kích lớn với chàng thanh niên Diệp Vấn lúc ấy. Núi cao còn có núi cao hơn, tự nhủ trong lòng như thế, kể từ đó ông luôn cẩn thận khi nhắc đến võ thuật và không dám kiêu căng nữa.

Nhắc lại về cao thủ trong trận đấu chớp nhoáng kia. Ngay sau cuộc tỉ thí, thân phận của ông được tiết lộ, vốn là Lương Bích, con trai Lương Tán, sư phụ của Trần Hoa Thuận. Luận về vai vế, Diệp Vấn phải gọi Lương Bích bằng sư bá.

Diệp Vấn trở thành đại tông sư, cũng là nhờ cú đòn nhớ đời của một vị cao thủ-3

Lương Bích khi còn trẻ.

Lương Bích từ nhỏ tính cách không muốn bị gò bó, thích tìm tòi học hỏi nhiều loại võ công và kết giao với nhiều bằng hữu. Nhận thấy Diệp Vấn có tiềm năng to lớn, ông quyết định dành thời gian truyền thụ lại sở học hàng chục năm cho người đồng môn.

Người suýt vắng mặt trong lịch sử Vịnh Xuân quyền

Tại Hong Kong có tương truyền một câu chuyện về võ thuật của Lương Bích và Diệp Vấn.

Một lần nọ, 2 người chứng kiến cảnh nhóm khoảng 7, 8 thủy thủ nước ngoài chòng ghẹo phụ nữ trên phố. Lương Bích không nhịn được bèn can thiệp, vậy là 2 thầy trò lọt giữa vòng vây của những địch thủ cao lớn.

Đường phố trở nên huyên náo, rất nhiều người đứng lại xem, tất nhiên không thể thiếu những tiếng reo hò.

Lương Bích và Diệp Vấn quật ngã hết người này đến người khác. Trong chớp mắt, nhóm thủy thủ kia đã phải ôm đầu bỏ chạy.

3 năm học võ với Lương Bích giúp Diệp Vấn tiến bộ thần tốc, đạt tới cảnh giới rất cao, không chỉ trong quyền cước mà còn với côn và đao. Nhưng bản thân Lương Bích suýt nữa đã không có tên trong phả hệ Vịnh Xuân quyền.

Thời trẻ, ông cũng thường xuyên mâu thuẫn với cha mình là Lương Tán, một đệ tử nổi tiếng của Vịnh Xuân.

Do tính tình kiêu ngạo, nóng nảy nên Lương Bích không được truyền dạy võ công từ cha. Mãi sau này, khi trưởng thành và chín chắn hơn, ông mới được học Vịnh Xuân của Hoàng Hoa Bảo, cũng chính là sư phụ của cha mình.

Trong làng võ Trung Quốc, nhiều môn phái rất gắt gao về chuyện lựa chọn đệ tử và truyền thụ võ nghệ. Việc này giúp duy trì nhưng chiêu thức đặc trưng qua các thế hệ, nhưng lại khiến võ thuật đôi khi ít được cải tiến, hoàn thiện.

Diệp Vấn trở thành đại tông sư, cũng là nhờ cú đòn nhớ đời của một vị cao thủ-4

Những cuốn sách Diệp Vấn nhận từ Lương Bích.

Lương Bích suy nghĩ rất khác. Theo ông, võ thuật phải được truyền thụ dựa theo người tiếp thu. Cùng là Vịnh Xuân, nhưng mỗi người sẽ phát triển những sở trường khác nhau. Suy nghĩ này ảnh hưởng rất nhiều đến cách Diệp Vấn phát triển Vịnh Xuân quyền tại Hong Kong sau này.

Tuy nhiên, cũng từng xuất hiện nhiều thuyết đặt câu hỏi về nhân vật Lương Bích. Bởi một số tài liệu cho rằng Lương Tán vốn không có con hoặc con cái không sở hữu võ công cao cường.

Ngoài ra, có người khẳng định Diệp Vấn học võ từ những người khác nhiều hơn. Còn Lương Bích thực chất không đóng vai trò đáng kể.

Dù vậy, những ý kiến này sau đó đã kém thuyết phục đi nhiều khi đích thân Diệp Chuẩn, con trai của Diệp Vấn lên tiếng.

Ông tham gia đóng bộ phim "Diệp Vấn tiền truyện", vào vai Lương Bích. Đồng thời con trai ông là Diệp Chính đã cho trưng bày 3 cuốn sách quý giá mà Diệp Vấn nhận được từ Lương Bích.

Một võ sư thuộc phái Vịnh Xuân Cổ Lao đã xác nhận Lương Bích là một trong 17 người con (9 trai, 8 gái) của sư phụ Lương Tán. Tài liệu ở làng Cổ Lao (Quảng Đông, Trung Quốc) cũng cho thấy Diệp Vấn được ghi nhận là đệ tử của dòng Vịnh Xuân này.

Từ 16 đệ tử đến 2 triệu võ sinh

Diệp Vấn là một trong 16 đệ tử được sư phụ Trần Hoa Thuận thu nhận. Nhiều đệ tử khác cũng mở võ quán nhưng nhìn chung đều đi theo con đường truyền thống.

Riêng đại sư Diệp Vấn, nhờ ảnh hưởng từ Lương Bích, đã chọn cách truyền thụ võ công cởi mở, tạo cơ hội cho nhiều người tiếp thu được Vịnh Xuân quyền. Thời điểm cực thịnh, số lượng người tham gia Hội Thể dục Vịnh Xuân quyền Hong Kong lên tới 2 triệu.

Diệp Vấn trở thành đại tông sư, cũng là nhờ cú đòn nhớ đời của một vị cao thủ-5

Nhân vật Lương Bích do diễn viên Tạ Đình Phong thủ vai trong phim "Vịnh Xuân quyền".

Sau này, đệ tử của Diệp Vấn là Lý Tiểu Long lấy nền tảng Vịnh Xuân, phát triển ra Triệt quyền đạo nổi danh khắp thế giới.

Vì quan điểm riêng, Diệp Vấn khá hạn chế những buổi ghi hình dù rằng vào những năm 70 công nghệ quay phim đã rất tiến bộ. Vị đại sư của Vịnh Xuân chỉ 2 lần xuất hiện trên tờ Tân anh hùng võ thuật. Một trong 2 lần đó, Diệp Vấn đã nhắc đến những ngày học võ công cùng với Lương Bích.

Cuốn sách "Chân dung một đại tông sư" viết về Diệp Vấn có nhận định về Lương Bích: "Diệp Vấn không bao giờ gọi Lương Bích bằng "sư phụ", đó là vì sự trân trọng với sư phụ Trần Hoa Thuận. Nhưng Vịnh Xuân mà Diệp Vấn học được từ Lương Bích có nhiều chỗ sâu sắc và ưu việt hơn Trần Hoa Thuận".

Theo Trí Thức Trẻ

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét