Sáng 28/5, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin về nội dung chất vấn tại kỳ họp đang diễn ra.
Theo đó, Quốc hội sẽ chất vấn bốn nhóm vấn đề. Đầu tiên là giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.
Trách nhiệm trả lời chính nội dung trên là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo một số ngành liên quan sẽ cùng tham gia giải trình.
Nhóm vấn đề thứ hai là công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; nhất là trong quản lý, sử dụng đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi giải phóng mặt bằng.
Quốc hội cũng sẽ chất vấn về tình trạng ô nhiễm lưu vực sông và kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, thực trạng xử lý rác thải và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
Người trả lời chính nội dung trên là Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, lãnh đạo UBND TP HCM, TP Hà Nội và tỉnh Đồng Nai sẽ không tham gia trả lời chất vấn trên Quốc hội về công tác quản lý đất đai. "Một số lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội đề xuất chủ tịch các tỉnh, thành liên quan trả lời chất vấn, nhưng trong văn bản cuối cùng xin ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ nội dung này. Theo quy định, hoạt động chất vấn được thực hiện với các thành viên Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành chỉ trả lời chất vấn tại HĐND địa phương", ông Phúc nói.
Tiếp theo, Quốc hội sẽ chất vấn về chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập, tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống tron ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chịu trách nhiệm trả lời chính nội dung trên, tham gia giải trình có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và một số bộ trưởng khác.
Nhóm vấn đề cuối cùng là thực trạng thị trường lao động, công tác quản lý xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm sau đào tạo; tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung chịu trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề trên.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Hoài Thu. |
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, quy trình xin ý kiến về các vấn đề chất vấn "rất đầy đủ, chặt chẽ". Bốn nhóm vấn đề sẽ chất vấn được lựa chọn từ 120 vấn đề do Ban Dân nguyện tổng hợp báo cáo, 40 nhóm vấn đề các đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất và từ hơn 60 chất vấn bằng văn bản đại biểu.
Sau khi những vấn đề nêu trên gửi đến Tổng thư ký Quốc hội, tám nhóm vấn đề, được chọn ra để xin ý kiến thường trực Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban, các cơ quan chuyên môn. Sau đó, sáu nhóm vấn đề được "lọc" tiếp để xin ý kiến Thường vụ, cuối cùng Quốc hội chọn bốn nhóm vấn đề chính thức nêu trên.
Với 473 phiếu phát ra để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề chất vấn, nhóm vấn đề giao thông được 92% số phiếu đồng ý, Tài nguyên 89,2%, Giáo dục và Đào tạo 87%, Lao động gần 67%…
Cũng theo Tổng thư ký Quốc hội, về nguyên tắc, khi đại biểu Quốc hội chất vấn thì Thủ tướng trả lời. Nhưng thông thường, Thủ tướng đăng đàn tại kỳ họp cuối năm, còn kỳ họp giữa năm thì ủy quyền cho Phó Thủ tướng.
"Phiên chất vấn tới đây, Thủ tướng bận công tác nước ngoài nên phân công Phó thủ tướng đăng đàn, hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản phân công cụ thể cho Phó thủ tướng nào”, ông Phúc nói.
Theo nghị trình, hoạt động chất vấn diễn ra từ ngày 4 đến 6/6. Đây là lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung; trong khi với Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ sẽ là lần thứ hai tham gia phiên chất vấn trong nhiệm kỳ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét